- Ông Huỳnh Tấn Sanh: Phải bà Cao Thị Hoa không?àngtraiPhápvềTPHCMtìmmẹruộtKỳtíchngàyđểnướcmắttuôntràđảo phú quý
- Bà Hoa: Dạ!
- Ông Huỳnh Tấn Sanh: Đó! Người con của bà đó!
- Bà Hoa:Con là con thứ mấy? Đâu có biết đâu? Hồi đó có đẻ một đứa cho ở trên Từ Dũ.
- Ông Huỳnh Tấn Sanh:Đúng rồi, là nó đó!
- Bà Hoa: Ủa, sao… Sao nhìn được vậy?
Chưa hết bất ngờ, như quán tính, bà Hoa ôm lấy chàng trai Pháp xa lạ đứng đối diện khóc, nức nở: “Đâu có biết đâu mà đi tìm!”.
2 mẹ con ôm chầm lấy nhau thật lâu trong khoảnh khắc trùng phùng sau 30 năm, khiến những người chứng kiến trong đêm đó cũng không thể nào kiềm được những giọt nước mắt lăn dài trên má.
[CLIP]: Xúc động cuộc hội ngộ của chàng trai Pháp và mẹ ruột sau gần 30 năm.
PV Thanh Niênđã có cơ hội đồng hành, tìm hiểu về trình tìm mẹ của anh Paul Cao (29 tuổi, quốc tịch Pháp) với sự giúp đỡ của ông Huỳnh Tấn Sanh (52 tuổi, ngụ TP.HCM). Chúng tôi cũng rơi nước mắt theo khi chứng kiến cuộc đoàn tụ đầy xúc động giữa anh Paul với mẹ ruột, là bà Cao Thị Hoa (50 tuổi, ngụ TP.HCM) giữa kỳ tích, phép màu và tình yêu thương.
3 ngày… tìm gặp mẹ
Những ngày đầu tháng 8.2023, từ thủ đô Paris (Pháp), anh Paul đáp chuyến bay xuống TP.HCM. Hành lý lớn nhất mà anh mang theo, chính là hy vọng tìm lại mẹ ruột Việt Nam mang nặng đẻ đau mình năm xưa.
Ở thành phố này, anh được ông Tấn Sanh đón tiếp nồng hậu và giúp đỡ nhiệt tình, trên hành trình tìm mẹ và khám phá văn hóa Việt. Hỗ trợ người nước ngoài tìm lại thân nhân Việt Nam suốt nhiều năm nay, ông Sanh có duyên được quen và biết tới câu chuyện tìm mẹ của anh Paul hơn 1 năm trước.
“Thời điểm đó, tôi cũng có đi tìm nhưng không có kết quả khả quan. Lần này Paul về, chúng tôi tiếp tục đi tìm mẹ cho cậu ấy, cứ thử hết mọi cách với hy vọng là sẽ có một phép màu nào đó xảy ra. Tôi và Paul, trước đó dù chưa gặp nhau nhưng cũng thường xuyên tâm sự nhiều điều về cuộc sống, trở thành những người bạn thân thiết", ông Sanh kể lại.
Manh mối duy nhất để anh Paul tìm lại mẹ ruột, chính là tờ giấy cho con được viết tay năm xưa, mà cha mẹ nuôi người Pháp đã gìn giữ cẩn thận. Trong đó, có những dòng viết ruột gan:
Tôi tên Cao Thị Hoa, sanh năm 1973, hiện ngụ tại sau Vườn Bách Thú, gần hồ bơi Yết Kiêu (P.Bến Nghé, Q.1) và 205/54 Đỗ Thành Nhân (P.3, Q.4). Ngày 13.6.1994, tôi có sanh tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ một bé trai cân nặng 3,1 kg. Vì hoàn cảnh gia đình nghèo và chồng bỏ nên tôi không thể nuôi con tôi được, tôi xin cho con tôi cho bệnh viện phụ sản nuôi...
Bà Cao Thị Hoa, Mẹ ruột anh PauloLần theo những manh mối đó, anh Paul và ông Tấn Sanh đi xe máy tìm tới địa chỉ năm xưa. 2 ngày đầu, không có kết quả, khi người sống ở những địa chỉ trên lúc đó, giờ đã đổi chỗ. Cho tới khi họ quyết định quay lại địa chỉ trên đường Đỗ Thành Nhân (cũ, nay đổi tên thành đường Đoàn Văn Bơ) vào ngày thứ 3 để tiếp tục "mò kim đáy biển", thì có tin tức.
Theo đó, một số người địa phương còn nhớ tới chủ nhà cũ thời điểm đó với cái tên "Sư Huynh", biệt danh của ông Cao Văn Thành (80 tuổi), là cha ruột của bà Cao Thị Hoa. Tuy nhiên, ông Thành đã bán nhà, chuyển tới nơi khác sống hơn 10 năm trước, có người nói từng thấy ông ở gần khu vực phà Bình Khánh (nối H.Nhà Bè và H.Cần Giờ).
Nghe đến đây, họ không chần chừ lâu mà lập tức đến nơi theo lời mách bảo, hỏi thăm về một người đàn ông có tật ở tay, hay đi bán vé số ở phà với biệt danh "Sư Huynh".
Định mệnh dường như dẫn lối để anh Paul cuối cùng cũng tìm gặp được ông Thành, để rồi những bí mật về cuộc đời chàng trai Pháp ở Việt Nam năm xưa được lật mở. Mọi thông tin trong bức thư cho con mà anh còn giữ, đều trùng khớp với thông tin, hoàn cảnh của gia đình cụ ông tới lạ. Lúc đó, "Sư Huynh" thầm hiểu, chàng trai đứng đối diện thực sự là cháu ngoại của mình, không còn gì để bàn cãi.
Con đã về rồi, mẹ ơi!
Hoàng hôn dần buông, ông Thành mang xe máy, dẫn anh Paul và ông Sanh chạy tới nơi bà Hoa đang sống. Tới nơi, trời cũng chập tối. Nhà bà Hoa, nằm nép trong một ngôi đình ở xã Hưng Long (H.Bình Chánh).
Lúc này, bà đang đi bán vịt, chưa về. Chỉ có chồng bà Hoa, ông Lê Văn Mong (60 tuổi) ra tiếp. Nghe ông Thành nói: “Kêu vợ về, có chuyện gấp!”, dù không hiểu chuyện gì xảy ra nhưng ông Mong cũng lập tức làm theo lời của cha vợ.
Vừa trở về, thấy anh Paul đứng trước cửa nhà mình, người mẹ hiểu hết mọi chuyện đã không kiềm được những giọt nước mắt xúc động. Nước mắt bà rơi như trút hết nỗi niềm suốt mấy chục năm qua đang mang.
Buổi tối định mệnh hôm đó, với sự phiên dịch của ông Tấn Sanh, anh Paul cùng với gia đình ruột của mình dành 2 tiếng đồng hồ để kể hết cho nhau nghe những câu chuyện đã trải qua gần 3 thập kỷ. Anh Paul và mẹ, nắm chặt lấy tay nhau bịn rịn không rời.
Bà Hoa kể mình có 3 đời chồng. Đời chồng đầu tiên, bà sinh được một cô con gái, đặt tên Cao Thị Minh Tâm (32 tuổi) hiện vẫn đang sống cùng bà. Tuy nhiên, vì phải chịu cảnh bạo hành gia đình, bà đến với người đàn ông tên Phạm Thành Dũng (sinh năm 1971) và sinh ra anh Paulo. Tuy nhiên, số phận trớ trêu khi bà cũng sống với người chồng này không mấy hạnh phúc.
"Sinh con được 3 ngày, vì hoàn cảnh khó khăn, cũng như muốn con có cuộc sống tốt hơn, mẹ tôi đã đem cho con. Lúc đó, tôi cũng đau khổ và dằn vặt, nhưng nghĩ tới hoàn cảnh của mình, cũng như nghĩ tới tương lai của con, tôi đành nuốt nước mắt vào trong", người mẹ xúc động kể.
Con trai bà Hoa sau đó được chuyển đến Trung tâm Phục hồi trẻ mồ côi suy dinh dưỡng nằm trên đường Tú Xương (Q.3, TP.HCM), nay là Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ khuyết tật để chăm sóc, được đặt tên tiếng Việt là Cao Anh Tuấn. Sau đó, mẹ bà Hoa có đến đây hỏi thăm, thì biết được cháu mình đã được người Pháp nhận nuôi.
Không lâu sau, bà Hoa tiếp tục có thai với người chồng thứ 2. Tuy nhiên lần này, bà kể ông đã mang đứa con đi biệt tích, cho tới ngày hôm nay. Đó cũng là lý do, mà khi gặp lại anh Paul, bà đã buột miệng hỏi: “Con là con thứ mấy?”.
Sau bao dang dở, bà có duyên gặp được ông Mong. Người mẹ nói rằng có lẽ cuộc đời đã thương bà, để bà gặp được một người đàn ông tốt, luôn yêu thương và chăm sóc mình. Đến giờ, bà sống hạnh phúc với người chồng thứ 3 và đã có 3 mặt con, các con đều đã khôn lớn, trưởng thành, có công ăn việc làm.
Ngày xưa, gia đình nhỏ của bà Hoa ở tạm bợ sau Vườn Bách Thú, gần hồ bơi Yết Kiêu (P.Bến Nghé, Q.1), rồi sau đó sống trên ghe, trôi dạt rày đây mai đó. Nhiều năm sau, ghe chìm trong một tai nạn, mọi hồ sơ, giấy tờ đều theo con nước mà trôi đi.
Hoàn cảnh khó khăn, bà được ban trị sự ngôi đình này cho cất nhà, vừa ở vừa trông coi chốn linh thiêng. Ngót nghét, gia đình bà ổn định ở H.Bình Chánh này hơn 10 năm, sau bao nhiêu bôn ba rày đây mai đó.
"Thế nhưng tâm can tôi chưa một ngày được yên nghỉ. Tôi luôn nghĩ tới 2 đứa con mình, rồi tự hỏi là không biết nó sống sao. Nhiều đêm, tôi khóc, chỉ mong có thể tìm gặp tụi nó. Tôi có tìm thằng em của thằng này, nhưng tìm hoài cũng không có tin tức nào", người mẹ có gương mặt khắc khổ nhìn anh Paul đầy trìu mến.
Những đoạn trường về cuộc đời người mẹ, cả cuộc đời của anh Paul đều được lật giở trong buổi tối đầy hoài mong, nhưng không ai nghĩ là nó sẽ xảy ra, hôm đó. Thời gian không cho phép, chàng trai Pháp ôm tạm biệt mẹ của mình, hẹn hôm sau quay lại.
(Còn tiếp...)